Tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona.
Vi rút Corona:
Vi rút gây dịch viêm đường hô hấp cấp giai đoạn 30/12/2019 đến đầu tháng 02/2020 là chủng vi rút Corona (nCoV-2019) có sự biến đổi gene, có sự tiến hóa và khả năng thích ứng phát triển nhanh trong quá trình lây nhiễm từ người sang người. Các gene của vi rút này đã thay đổi đáng kể trong quá trình lây nhiễm, tạo nên chủng vi rút mới chưa được xác định trước đó. nCoV-2019 là một betacoronavirus, giống như MERS và SAR (SARS là một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương; MERS là một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà), tất cả các loại Coronavirus đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi, lạc đà, mèo...
Đặc điểm nguy hiểm nhất của viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona là vi rút có sự tiến hóa, biến đổi gen, độc lực cao, lây nhiễm nhanh và nguy cơ thành dịch lớn. Điều quan trong nhất hiện nay là (1) cách ly, khống chế, cắt đứt đường lây truyền và (2) nâng đỡ thể trạng, tăng sức đề kháng miễn dịch của cơ thể.
Vi rút Corona lây lan như thế nào?
nCoV lây lan qua các giọt bẩn chứa vi rút (đàm nhớt, nước bọt, dịch tiết đường hô hấp…) do người nhiễm bệnh ho, khạc, hắc hơi, thở mạnh, nói chuyện văng ra môi trường bên ngoài, các giọt dịch tiết li ti mắt thường không nhìn thấy được, các giọt bẩn đủ nặng sẽ rơi xuống bề mặt (vật dụng, sàn nhà…) hoặc bay lơ lững trong không khí. Một khi môi trường tù đọng, thông khí kém sẽ dễ lây nhiễm những mầm bệnh đó hoặc khi di chuyển, đóng cửa, máy lạnh thổi, quạt thổi… sẽ bốc lên những giọt bẩn chứa vi rút, người lành hít vào sẽ gây nhiễm bệnh. Những giọt bẩn chứa vi rút rơi xuống bề mặt khi ta cầm nắm đồ vật sẽ lây nhiễm vào tay, chân và lây nhiễm vào cơ thể.
Phòng chống nCoV hiệu quả, tất cả mọi người cần phải:
- Hạn chế tập trung nơi đông người khi không cần thiết;
- Phòng làm việc, sinh hoạt phải thông khí tốt, khí tự nhiên. Tuyệt đối tránh phòng kín, phòng lạnh;
- Tẩy trùng bề mặt thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường;
- Rửa tay thường xuyên, rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của ngành Y tế;
- Hạn chế cầm nắm đồ vật: Tay vịn, nút bấm, tay nắm cửa… nếu có cầm nắm phải rửa tay ngay;
- Mang khẩu trang: Mang khẩu trang rất quan trọng để ngăn ngừa xâm nhập của vi rút vào cơ thể. Tuy nhiên, bạn đừng ỷ lại mình có mang khẩu trang mà bất chấp nhé, nếu mang khẩu trang không đúng cách bạn vẫn bị nhiễm bệnh.
Cách mang khẩu trang đúng cách:
Với khẩu trang vải thông thường, bạn cần:
- Che kín cả mũi và miệng;
- Tránh sờ tay vào khẩu trang khi mang;
- Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo;
- Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà bông để dùng lại, phơi khẩu trang dưới nắng gắt cho khô;
- Thường xuyên rửa tay với xà bông để phòng bệnh;
Đối với khẩu trang y tế thông thường, cần:
- Mang mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên;
- Che kín cả mũi lẫn miệng;
- Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra;
- Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác;
- Thường xuyên rửa tay với xà bông để phòng bệnh;
Với người dân ngoài cộng đồng, mọi người có thể dùng khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường.
Đối với người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nghi ngờ hoặc nhiễm nCoV hoặc những người đi vào ổ dịch, cần trang bị khẩu trang chuyên dụng N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.
Cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh nhờ hệ thống miễn dịch tuyệt vời:
Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan, chúng phối hợp với nhau để bảo vệ con người chống lại vi trùng và vi sinh vật tấn công có trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch là tế bào bạch cầu. Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch. Hệ miễn dịch nằm ở khắp các nơi trong người, bao gồm: Amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da, hạch bạch huyết, lách, niêm mạc bên trong mũi, họng; việc phân bố rải rác ở nhiều vị trí giúp hệ miễn dịch hình thành tiếp cận và lưu trữ thông tin, cũng như duy trì hoạt động liên tục nhằm giữ cho toàn bộ cơ thể luôn khỏe mạnh. Nếu nhiễm một lượng lớn quá mức tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch của bạn cũng sẽ không chống đỡ nổi và bạn sẽ mắc bệnh; còn nếu hệ miễn dịch của bạn không còn, thì nguy cơ nhiễm bệnh chỉ còn là vấn đề thời gian. Do đó, bạn phải nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể bằng cách:
- Tập thể dục thường xuyên:
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nhanh, giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.
- Ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng:
Thừa cân, béo phì làm giảm sức khỏe và hệ miễn dịch suy giảm. Khẩu phần ăn tăng cường rau củ và trái cây tươi sạch giàu vitamin cũng như chất chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng.
Ăn nhiều trái cây cung cấp Vitamin C:
Trong trái cây có nhiều Vitamin C là chất chống lại bệnh viêm đường hô hấp hiệu quả, có thể rút ngắn thời gian cơ thể nhiễm lạnh và ngăn ngừa bệnh tật. Cam, bưởi, quýt, chanh… là những loại trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao góp phần cải thiện hệ miễn dịch. Thường xuyên uống nước ép trái cây tươi giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch cúm.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất kẽm:
Các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò có tác dụng cao trong việc phòng chống bệnh cúm. Kẽm hỗ trợ cơ thể tạo ra bạch cầu giúp cho hệ thống miễn dịch cơ thể hoạt động tốt hơn. Ngoài thịt bò thì hàu, tôm cua, thịt gà, sữa chua, hạnh nhân… là các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm và đạm giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch.
Cung cấp đủ Vitamin và khoáng chất:
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể bạn cần cung cấp đủ Vitamin bằng các loại rau xanh. Trong rau xanh súp lơ, rau bó xôi, cải, bí đỏ còn chứa chất chống oxy giúp cơ thể tăng sức đề kháng trước các vi rút cảm cúm.
Chọn thực phẩm giàu pectin (chất xơ tự nhiên):
Pectin là một dạng chất xơ giúp chuyển hóa acid béo trong máu hỗ trợ sự phát triển các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Các loại thực phẩm giàu pectin bao gồm cải bắp, củ cải đường, cà rốt, các loại trái cây như lê, táo xanh, nho, trái cây có múi…
Sữa chua bổ sung vi sinh có lợi:
Các men vi sinh có trong một số loại sữa chua có thể cải thiện khả năng miễn dịch và kháng bệnh của cơ thể.
- Ngủ sâu đủ giấc:
Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ sâu và đủ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người.
- Kiểm soát stress, cân bằng cơ thể:
Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng hơn,
- Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích.
- Giữ cuộc sống thoải mái, hạnh phúc:
Sống hạnh phúc sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, bảo vệ toàn diện cơ thể khỏi các căn bệnh một cách tự nhiên mà không cần dùng đến bất kỳ loại thuốc nào./..
Bác sĩ Phước Nhường