Thăm dò
Thống kê truy cập

null Chủ động phòng chống cúm A(H5N1) trên gia cầm và nguy cơ lây sang người.

Tuyên truyền sức khỏe
Thứ năm, 05/03/2020, 23:05
Màu chữ Cỡ chữ
Chủ động phòng chống cúm A(H5N1) trên gia cầm và nguy cơ lây sang người.

Bệnh cúm A(H5N1) thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Định nghĩa ca bệnh:
Ca bệnh lâm sàng: Bệnh cúm A(H5N1) được chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn:
(1) Tiền sử dịch tễ: đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 07 ngày. Đa số các trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm.
(2) Biểu hiện lâm sàng: Bệnh diễn biến cấp tính và có các triệu chứng:
- Sốt trên 380C, có thể rét run.
- Ho, thường ho khan, có đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên...
- Khó thở, thở nhanh, tím tái.
- Phổi có ran nổ, ran ẩm.
- Nhịp tim nhanh, yếu, đôi khi có sốc.
- Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng…
Cận lâm sàng:
- X quang phổi: Tổn thương thâm nhiễm lan toả một bên hoặc hai bên phổi, tiến triển nhanh.
- Công thức máu: Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.
Chẩn đoán xác định ca bệnh: Xét nghiệm dương tính với cúm A(H5N1).
Theo dõi và điều trị:
- Người dân theo dõi (1) tiền sử dịch tễ và (2) biểu hiện lâm sàng.
- Hiện có 2 loại thuốc kháng vi rút là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza) đang được sử dụng để điều trị bệnh cúm A(H5N1) ở người; cần phải điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.
- thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh chống bội nhiễm.
- Hồi sức hô hấp.
- Điều trị suy đa tạng (nếu có).
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc.
Tình hình dịch bệnh, các yếu tố dịch tễ:
Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông, là nơi có mật độ chăn nuôi gia cầm (vịt, ngan, gà…) cao hơn các vùng khác, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ (không tiêm ngừa phòng bệnh cho đàn gia cầm).
- Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương).
- Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ 04 tháng đến trên 80 tuổi, tập trung ở các lứa tuổi dưới 40 tuổi, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi.
- Không có sự khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo trong thời gian tới có thể xảy ra đại dịch cúm, do có khả năng xuất hiện một chủng vi rút cúm mới có độc lực cao và lây truyền mạnh từ người sang người, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
- Nguy cơ cúm A(H5N1) quay trở lại và nguy hiểm hơn do việc chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ thiếu kiểm soát và không tiêm ngừa cho gia cầm đầy đủ, nguy cơ từ việc sử dụng gia cầm không qua kiểm duyệt, không nguồn gốc còn tồn tại hàng ngày trong cuộc sống người dân. Từ năm 2014 đến nay, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1) ở người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng kết quả này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, nếu mỗi người dân không chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh. Ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức của chính mình về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết theo khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra.
Khuyến cáo về phòng chống cúm gia cầm: Để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. 
- Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Nhận thức đầy đủ nguy cơ và thách thức trong phòng ngừa dịch bệnh, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành nông nghiệp:
- Vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm.
- Hạn chế lây lan từ gia cầm sang người, từ người sang người.
- Tiêm ngừa đàn gia cầm đầy đủ theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không nuôi gia cầm trong nhà, có chuồng trại riêng, hạn chế tiếp xúc gần với gia cầm.
- Các biện pháp chủ động ngăn chặn sự xâm nhập vi rút cúm gia cầm vào nước ta cũng như triển khai các biện pháp phòng chống, chủ động tránh lây truyền sang người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người.
Kết quả nổi bật đạt được trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm thời gian qua, nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và các loại cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm:
Ngành Y tế và ngành Nông nghiệp thực hiện nghiêm theo Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020 về việc chủ động phòng chống Cúm A(H5N1) trên gia cầm và nguy cơ lây sang người; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ về đặc điểm của bệnh dịch cúm gia cầm, những cách nhận biết, khai báo bệnh, các biện pháp phòng chống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.
- Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng thịt gia cầm nghi bị bệnh cúm.
- Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ sỏ y tế để điều trị kịp thời.
- Dùng Chloramin B, các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
- Giám sát, phát hiện người tiếp xúc, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời.
- Tiến hành giám sát hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút.
- Cách ly bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh cúm A(H5N1).
- Lập danh sách và quản lý, theo dõi sức khỏe tại gia đình những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A(H5N1) hoặc gia cầm bị bệnh trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
- Thực hiện khai báo bệnh và báo cáo dịch khẩn cấp theo Quy chế thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch do Bộ Y tế ban hành./..
Bác sĩ Phước Nhường

Số lượt xem: 948

 
© SỞ Y TẾ BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: ông Phạm Văn Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế
Địa chỉ: Số 07, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3.824206. Fax: 0291.3.824206  Email:
syt@baclieu.gov.vn